Quan điểm được Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi góp ý với Bộ Thông tin & Truyền thông về Dự thảo Nghị định quản lý,ôngtyxuyênbiêngiớiđượcquảnthoánghơndoanhnghiệpViệhình con mèo cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Dự thảo này đưa ra biện pháp, điều kiện quản lý chủ thể cung cấp thông tin, phân biệt theo loại hình cung cấp. Với quy định về cấp phép với doanh nghiệp, theo dự thảo, doanh nghiệp xuyên biên giới chỉ cần cung cấp thông tin liên hệ khi đạt ngưỡng 100.000 lượt truy cập hàng tháng tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa phải thông báo bất kể quy mô và sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt ngưỡng 10.000 lượt truy cập hàng tháng từ Việt Nam.
Theo VCCI, ngưỡng quy mô được coi là lớn với doanh nghiệp Việt khi so sánh với doanh nghiệp ngoại có sự chênh lệch rất lớn, chỉ bằng một phần 10. Trong khi nội dung xấu của các mạng xã hội chủ yếu xuất phát từ hiệu ứng mạng lưới khi tin giả có thể lan truyền nhanh chóng trong mạng lưới nhiều người dùng. Do vậy, VCCI cho rằng nên quản lý dựa vào số lượng người dùng, mà không nên phân biệt giữa trong nước và nước ngoài.
"Có thể cơ quan soạn thảo cho rằng ngưỡng 10.000 là phù hợp vì chỉ một số ít các mạng xã hội trong nước đạt ngưỡng này. Nhưng nếu lượng truy cập vào các mạng xã hội trong nước thấp như vậy, thì các mạng này không có ảnh hưởng quá lớn đến các lợi ích công và do đó không cần phải áp dụng biện pháp cấp phép", VCCI đánh giá.
Mặt khác, dự thảo cũng quy định nhiều nghĩa vụ với mạng xã hội trong nước mà các mạng của nước ngoài không phải đáp ứng như: hệ thống kỹ thuật lưu trữ tối thiểu 2 năm; phương án dự phòng bảo đảm duy trì an toàn, liên tục; lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hơn, trong đó có số chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp.
Dự thảo đưa ra hạn chế về tính năng cung cấp cho người dùng với mạng xã hội trong nước, chẳng hạn: phải thu thập đầy đủ thông tin người dùng theo yêu cầu trước khi cung cấp các tính năng chủ yếu như viết bài, chia sẻ; và chỉ được cung cấp tính năng livestream khi đã được cấp phép.
Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu khó kiểm soát với doanh nghiệp trong nước như không cho đăng bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn, mà không rõ cách thức nào các doanh nghiệp có thể phân biệt các nội dung giữa luồng thông tin khổng lồ hàng ngày.
VCCI lưu ý, các quy định này sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa. Thực tế, nếu các quy định phù hợp để quản lý các công ty xuyên biên giới thì cũng sẽ có hiệu quả để quản lý các doanh nghiệp trong nước, thậm chí hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt thường quy mô nhỏ, nguồn lực ít, phải đi vào thị trường ngách và cần dựa vào thị trường trong nước để phát triển. Các quy định về điều kiện kinh doanh chặt chẽ và quá nhiều nghĩa vụ sẽ khiến tốn nhiều chi phí tuân thủ trong khi phải đối đầu bài toán kinh doanh trong thị trường có nhiều ông lớn toàn cầu. VCCI đánh giá, điều này vô tình khiến các doanh nghiệp nội địa khó có thể phát triển trên chính sân nhà.
Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo rà soát lại tất cả quy định quản lý với loại hình trong nước và nước ngoài và loại bỏ các nghĩa vụ của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Đức Minh